#sharespace. Như chúng ta được biết, VUCA là một thuật ngữ đã xuất hiện từ đầu những thập kỷ 90s nhằm mô tả về đặc tính của một thế giới (hậu Chiến tranh lạnh đa phương) luôn biến động không ngừng. Khái niệm về VUCA được mô tả với 04 đặc tính chính bao gồm:
V – Volatility (Sự biến động)
U – Uncertainty (Sự bất định, không chắc chắn)
C – Complexity (Sự phức tạp)
A – Ambiguity (Sự mơ hồ)
Khái niệm ‘Kỷ nguyên VUCA’ dần được ứng dụng và xuất hiện trên hầu hết các nền tảng nghiên cứu về chiến lược kinh doanh, chiến lược quản trị, kỹ năng lãnh đạo, chiến lược tự động hóa, phát triển của các doanh nghiệp cũng như xu hướng phát triển, nâng cấp các hệ thống quản trị doanh nghiệp đặc thù tương ứng.
Tuy nhiên, khái niệm trên đang dần chuyển hóa một cách âm thầm sang một biến thể mới, mà dạo gần đây các nhà lãnh đạo hay gọi là “TUNA”. TUNA được xem là một nâng cấp của VUCA dựa trên hàng loạt những thay đổi không lường trước được về tình hình thế giới, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Những biến động không chỉ riêng về kinh tế, mà còn là an ninh quốc gia, chiến tranh kéo dài hơn 02 năm tại Ukraine, những cuộc xung đột ở khu vực Trung Đông giữa Israel – Hamas, thay đổi về chiến lược hợp tác kinh tế giữa các quốc gia và các khu vực gần đây. Khái niệm về kỷ nguyên ‘TUNA’ dần được khẳng định hơn với 04 đặc tính chính là:
T – Turbulence (Sự đa chiều và hỗn loạn)
U – Uncertainty (Sự bất định, không chắc chắn)
N – Novel (Sự khác lạ, không lường trước được)
A – Ambiguity (Sự mơ hồ, khó xác định)
Điều này cũng giúp chúng ta đúc kết được rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự kết nối giữa các quốc gia thay đổi không ngừng, môi trường doanh nghiệp và thị trường kinh doanh cũng mang tính bất khả định khi mà phải đối mặt với quá nhiều sự kiện chung không lường trước của cả thế giới và khu vực trong những năm trở lại đây. Với riêng VUCA được xem là một kỷ nguyên thúc đẩy những nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái sẵn sàng đón đầu và thay đổi để thích ứng, thì hiện tại với khái niệm TUNA, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải giữ vững được tâm thế bình tĩnh, cân nhắc kĩ càng và quyết đoán trong việc ra quyết định cũng như linh động hơn trong việc xây dựng chiến lược để tối ưu hóa sự thích ứng khi mà có quá nhiều sự thay đổi về thị trường, về nền kinh tế diễn ra cùng lúc.
Từ bức tranh tổng thể trên, câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay: Liệu chúng ta có nên tiếp tục giữ nguyên cách thức hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp như từ trước tới nay hay chúng ta nên đột phá bằng việc nâng cấp với các công nghệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp hoạch định chiến lược thức thời, nhanh chóng và dễ thích ứng với sự hỗn loạn và đa chiều của nền kinh tế?
Đối với kỷ nguyên TUNA, một lời khuyên dành cho các nhà lãnh đạo đó là: hãy đẩy mạnh những giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đang làm tốt. Đồng thời, hãy lược bỏ tư duy cũ và đầu tư vào việc cải tiến phương thức hoạch định chiến lược đi kèm việc nâng cấp các nền tảng công nghệ lập kế hoạch ngân sách (như Quản lý Hiệu suất Doanh nghiệp) để thích nghi và phát triển trong thời kỳ quá nhiều sự hỗn loạn và thay đổi liên tục.
Làm thật tốt, tinh gọn, cải tiến và đẩy mạnh các nền tảng cốt lõi để khẳng định giá trị doanh nghiệp và linh động hơn về hoạch định chiến lược là những chìa khóa mấu chốt để doanh nghiệp chúng ta xuyên qua một kỷ nguyên TUNA với trạng thái bền vững, thích ứng nhanh và trường thịnh.
Nguồn sưu tầm.